CÂU CHUYỆN
Hãy cùng GamaLift viết nên những kỷ niệm của bạn và gia đình. Tất cả sẽ được GamaLift trân trọng, lưu giữ và đó chính là tài sản quý giá nhất!

Chiếc thang máy và 2 kỳ World Cup

“Điều vinh quang nhất của con người không phải ở chỗ không bao giờ vấp ngã, mà chính là vươn lên từ mỗi lần vấp ngã” – Khuyết danh

Chuyện đã xảy ra cách đây tròn 8 năm, đúng vào kì World cup 2010. Sau khi chị gái đi lấy chồng thì nhà chỉ còn ba người: Bố, mẹ và tôi sống trong một căn nhà 3 tầng mặt bằng 35m2 với mặt tiền hẹp 3,5m nằm trong ngõ nhỏ ở quận trung tâm Hà Nội.

Mẹ tôi vốn là một bác sĩ xinh đẹp và nhanh nhẹn, nhưng sau một lần công tác tăng cường ở Huế thì bị cây đổ trong cơn giông đè phải và bà bị liệt hai chân từ đấy. Bố tôi là kỹ sư cơ khí giỏi của nhà máy Công cụ số 1 nhưng cũng đã nghỉ sau khi nhà máy giải tán. Bố là người điềm đạm, hiền lành và rất yêu mẹ. Từ khi mẹ bị nạn bố cũng ít nói hơn và quan tâm, chăm sóc mẹ nhiều hơn. Bố mẹ vốn ở tầng 2 nên mỗi lần lên xuống chỉ có bố cõng hoặc bế mẹ mà thôi. Tuy nhiên, ông mỗi ngày một yếu và bất tiện nên bố tôi đã quyết định dành hết tất cả số tiền mà ông bà dành dụm được sau bao năm để lắp một chiếc thang máy giúp mẹ đi lại dễ dàng hơn. Sức khỏe của bố không cho phép chỉ là một phần nhưng phần nhiều là do mẹ càng ngày càng không muốn làm khổ bố nên hầu như ngồi một chỗ, không chịu lên xuống. Ánh mắt của mẹ đã nói lên điều đó mỗi lần bố cõng xuống nhà và ra phố cho đỡ tù túng, bí bách. Mẹ rất lo lắng trước quyết định của bố, toàn bộ số tiền dành dụm được của cả nhà đã dồn vào chiếc thang máy gia đình này. Vì nhà chật, cũng không thể cải tạo được, không đào được đáy hố, phố cổ nên giải pháp hồi đó là chiếc thang máy gia đình thủy lực nhập khẩu nguyên chiếc từ Ý là khả dĩ. Bố nói rằng, dồn hết vào thang máy nên mình sẽ cơi nới thêm được 2 tầng, vay mượn thêm một ít nữa sửa sang cho đẹp. Cả nhà sẽ lên ở tầng trên, tầng 1 sinh hoạt chung, tầng 2 và 3 cho Tây thuê nên lại có tiền mà mọi thứ lại ổn cả. Bố tính thế nhưng mẹ thì vẫn rất lo, nỗi lo ấy đã tác động thực sự đến tôi. Vừa mới thi vào trường Đại học Bách Khoa và vốn được bố mẹ chiều nên tôi rất “tồng tộc”. Tuy nhiên, lần này thì khác, tôi tưởng tượng cảnh mẹ nằm một chỗ nhà hết sạch tiền, bố lầm lũi sửa cái quạt, bơm cái xe hay tranh thủ làm cả xe ôm để kiếm thêm tiền khiến lòng tôi tơi bời, không định hướng. Chiều hôm đó, bố về muộn và hình như có uống bia, vui vẻ cười nói: “Thế là xong, ngày mai họ sẽ đến kí hợp đồng và mình trả tiền, hai mẹ con chịu khó khoảng 6 tháng nữa thì sướng nhé!”. Nói xong, bố cất bọc tiền gói cẩn thận bằng khăn mùi soa đã cũ vào đáy của đống áo quần trong chiếc tủ gỗ ở phòng bố mẹ. Mẹ hơi hốt hoảng nhưng rồi im lặng vì biết tính bố đã nói là làm, ánh mắt của mẹ rất lạ, như vừa cam chịu, như vừa cầu cứu nhìn về phía tôi.

Tôi im lặng đi ra ngoài phố đến quán trà đá bà Sen đầu ngõ. Một nhóm 4 – 5 người vừa hút thuốc vừa uống nước bàn bạc rôm rả về bóng đá, về các cầu thủ và các đội. Tôi không còn tâm trí nào mà để ý vào bóng đá và lịch đấu nữa. Nhưng khi tôi nghe thấy một anh nói về tỉ lệ cá cược, được thua của mấy trận vừa qua thì trạng thái đã hoàn toàn khác, tôi đã tìm thấy giải pháp cho gia đình mình. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ về luật chơi bằng vốn hiểu biết bóng đá của mình và sự hướng dẫn nhiệt tình của anh hàng xóm đầu phố tôi quyết định về nhà. Tôi vào phòng bố mẹ thấy tối om, cửa mở và bố đã ngáy say sưa. Có lẽ lâu rồi bố mới được phép tự thưởng cho mình một cốc bia như vậy. “Con chưa ngủ à? Con tìm gì đấy?”. Tôi giật mình khi nghe mẹ hỏi, ánh mắt đã quen với bóng tối thấy mẹ tựa lưng vào tường nhìn ra cửa sổ, tôi lúng túng: “Con tìm xem có cái áo của con lẫn vào đây không ạ”. Rồi nhanh chóng cầm bọc tiền đi ra cửa. Tôi được anh hàng xóm dẫn đến một căn nhà ở phố Hàng Bông kèm theo một thỏa thuận cho trận tứ kết giữa Hà Lan và Brazil. Tôi đặt cược vào Brazil với tỉ lệ 1:2. Như vậy, sáng ngày mai tôi sẽ có tiền mua thang máy cho bố mẹ và khoản tiền tiết kiệm cộng với tiền gom góp bao lâu vẫn còn nguyên vẹn. Tôi đi tới một quán cà phê gần nhà chờ xem trận đấu, lòng hân hoan tưởng tượng đến ánh mắt của bố mẹ khi sáng hôm sau tôi về nhà với bọc tiền trên tay.

Trời đất như sụp đổ khi trận đấu kết thúc. Tôi bế tắc, hoảng loạn, mất hoàn toàn suy nghĩ. Tôi đã lang thang hết con phố này qua phố khác và tiến về sông Hồng khi trời đã tang tảng sáng. Nhưng ánh mắt cầu cứu, cam chịu của mẹ chiều qua đã níu tôi lại, tôi bắt đầu có suy nghĩ. Tôi trở về nhà và bước vào phòng bố mẹ, cả hai đang ngồi đó với cánh tủ mở toang và bất động. Mẹ tôi phờ phạc sau một đêm lo lắng cộng thêm việc vừa phát hiện ra tiền bị mất là một cú sốc nên càng thê thảm. Tôi ngồi bệt xuống giữa phòng và nghẹn ngào nói xin lỗi bố mẹ. Tôi xin bố mẹ cho nghỉ học để đi làm nhưng bố không nói gì. Bố lẳng lặng ra phố mua bánh mì cho mẹ sau đó quay về bảo tôi: “Bố đã đi nhờ chị gái về trông mẹ, bây giờ hai bố con về quê”. Tôi lặng lẽ theo bố. Quê tôi thuộc một làng nghèo ở Hà Tây cách Hà Nội 40km. Sáng thứ 7 vì sau một trận bóng kịch tính nên Hà Nội dường như vẫn chìm trong giấc ngủ sâu, đường vắng nên hai bố con về đến làng khi còn rất sớm. Bố dừng xe lại cạnh một quán cóc đầu làng mua ít hoa quả và hương. Nhìn những ngón tay thô ráp của bố móc cẩn thận từng đồng tiền lẻ trong túi để trả cho bà chủ quán, trong lòng tôi ê chề ngổn ngang. Có lẽ đấy là những đồng tiền cuối cùng trong nhà tôi lúc đó. Hai bố con tiếp tục đi về ngôi nhà hương hỏa của ông bà nội để lại. Bố tôi cẩn thận và lặng lẽ xếp hoa quả, nước lên ban thờ rồi khấn vái, sau đó quay sang bảo tôi vào vái ông bà và tổ tiên. Lễ xong, trước ban thờ bố bảo tôi: “Bố mẹ đã không cho con được cuộc sống vui vẻ và sung túc như các bạn. Bố mẹ rất đau lòng về điều đó và động cơ, mục đích của con hôm qua bố mẹ hiểu và thông cảm cho con. Tuy nhiên, trước anh linh của ông bà và tổ tiên bố muốn nói với con rằng: Tiền không phải là mục đích của cuộc đời con ạ, nếu con bỏ học để kiếm tiền là sai với mục đích của cuộc đời và di huấn của tổ tiên. Con phải học, phải học để làm người, học để có kiến thức, có trình độ và khi con trở thành người có ích cho xã hội, cho cộng đồng thì con sẽ có tiền. Đó mới là mục đích con ạ”. Hai bố con lại vội vã quay về với mẹ. Tôi có thông báo trúng tuyển vào Khoa Tự động hóa của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi học hành chăm chỉ, ngoài giờ thì làm thêm đủ việc để phụ thêm bố mẹ. Còn bố tôi cũng không nề hà làm đủ mọi việc nhưng không còn thời gian để phục vụ mẹ vận động nhiều như trước nên bà lại càng hay viêm phổi, cảm cúm suốt. Vào năm cuối của Đại học thì bố tôi phải vào viện và nhận được tin ung thư gan thứ phát do viêm gan B. Tuy không rượu chè nhưng do vất vả, không kiêng khem được nên viêm gan B chuyển sang ung thư. Đó là ngày cuối đông, bố tôi gọi tôi lại trước giường và nói rằng: “Bố muốn làm đôi chân của mẹ cho đến ngày cuối cùng nhưng giờ thì không được nữa rồi. Bố xin lỗi vì đã không thể chờ tới ngày con trưởng thành nhưng mình là đàn ông thì phải vững vàng lên con ạ. Bố tin rằng con sẽ trưởng thành và thay bố chăm sóc mẹ. Bố hi vọng ngày nào đó con sẽ thay bố để thực hiện điều dở dang năm xưa”. Nói xong bố tôi tắt thở. Đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn cho cả mẹ và tôi.

Rồi tôi tốt nghiệp loại giỏi, như một định mệnh, tôi lại được một công ty thang máy tuyển dụng, và khắc ghi lời của bố, tôi tiếp tục chuyên cần vào công việc, không nề hà bất cứ điều gì và được Ban giám đốc rất tin tưởng nên thu nhập khá và cuộc sống của hai mẹ con cũng dễ chịu. Công việc của tôi được tiếp xúc với rất nhiều khách hàng mua thang máy, có nhiều người mua để đảm bảo tiện nghi đi lại trong biệt thự cao cấp của họ, có những gia đình mua thang máy phục vụ cho kinh doanh, có kiểu thì lại giống bố con tôi năm xưa. Nhưng trong quá trình công tác tôi thấy hệ thống điện lưới mất, hệ thống cứu hộ tự động hỏng mà ở nhà một mình như mẹ tôi lại bị kẹt ở trong, không ai cứu thì thế nào? Thang gia đình khác hoàn toàn với chung cư văn phòng, luôn có người trực, bảo vệ cứu giúp. Tôi phản ánh đề nghị với công ty rất nhiều lần để yêu cầu nhà sản xuất khắc phục cải tiến thiếu sót trên.

 

Thang máy thủy lực Gama với tính năng tự cứu hộ SRS

Cách đây 6 tháng, vào cuối năm 2017, Tổng giám đốc gọi tôi lên phòng và bảo: “Tôi đánh giá rất cao năng lực, đạo đức và sự chuyên tâm làm việc, sáng tạo không ngừng của chú. Hôm nay, tôi muốn thông báo rằng: Nhờ ý kiến đóng góp của chú nên nhà sản xuất đã nghiên cứu và áp dụng thành công hệ thống tự cứu hộ SRS (Self Rescue System) trong thang máy gia đình. Hệ thống này sẽ giúp cho người đi thang máy gia đình của chúng ta từ nay sẽ trở nên tuyệt đối an toàn, không phải cần sự trợ giúp của bất cứ ai khác trong mọi trường hợp, không cần phải chờ đợi đội cứu hộ nữa rồi. Khi điện lưới mất, bộ cứu hộ tự động hỏng, cửa khóa trong, không liên hệ được với người ngoài thì chỉ cần kích hoạt nút màu đỏ trên bảng gọi, trong tầm với của người là cabin tự về tầng để ra ngoài. Do đó, thay mặt công ty và nhà sản xuất tôi cám ơn và tặng gia đình và mẹ chú chiếc thang máy gia đình đầu tiên áp dụng công nghệ này”.

Trời đất quay cuồng, chân tay bủn rủn nhưng khác với trạng thái của lần trước. Món quà này quá lớn nhưng với tôi nó còn lớn về trách nhiệm, trọng trách mà người bố kính yêu gửi gắm lại mà tôi vẫn canh cánh trong lòng. Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là kì World cup 2018 khai mạc và chiếc thang máy gia đình đã trở thành hiện thực.

Chiều thứ 7 được nghỉ tôi đưa mẹ và chị về thắp hương cho bố. Sau cơn giông muộn, nghĩa trang ở quê vắng vẻ nhưng thanh tịnh nhờ tiếng chuông chùa xa xa vọng lại. Dâng nén hương thơm tôi thầm khấn: “Bố ơi con đã thực hiện được giấc mơ của hai bố con mình rồi. Bố hãy thanh thản yên nghỉ vì mẹ đã có được đôi chân của mình rồi. Con yêu bố và luôn cố gắng để sống có mục đích như bố đã dạy”. Ba mẹ con ra về và mẹ dặn: “Con đã có công ăn việc làm ổn định, mẹ rất tự hào về con, nên nhanh chóng cưới cô vợ để mẹ có cháu bồng bế vui tuổi già nhé”.

Cuộc đời như một trái bóng lăn, chẳng mấy chốc đi qua hai kỳ World cup với hai trạng thái, hai dấu mốc không thể quên trong cuộc đời. Và tôi đang cùng GamaLift đi đến chân trời mới của khát khao được cống hiến, tỏa sáng như lời bố dặn năm nào.