Theo thông tin từ Tạp chí Thang máy, Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã đưa cửa thang máy ra khỏi danh mục bắt buộc phải kiểm định. Điều này có nghĩa là các mẫu cấu kiện ngăn cháy, bao gồm cửa ngăn cháy và vách ngăn cháy, sẽ không còn nằm trong danh mục các phương tiện PCCC cần phải kiểm định. Đây là một thay đổi mang tính tích cực cho ngành thang máy. Hãy cùng GamaLift điểm lại các nội dung liên quan đến chủ đề này.
Quy định ban đầu về kiểm định PCCC đối với cửa thang máy theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP
Tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ có quy định về việc kiểm định tiêu chuẩn PCCC đối với cửa thang máy như sau:
-
Cục Cảnh sát PCCC là Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiểm định cửa thang máy: “Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;"
-
Cửa thang máy nằm trong danh mục phải kiểm định theo mục 5, phụ lục VII: “Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, màn ngăn cháy).”
-
Cho phép sử dụng kết quả kiểm định của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định.
-
Các loại hình công trình xây dựng có lắp thang máy thuộc diện phải kiểm định PCCC liên quan đến cửa thang máy được quy định tại phụ lục V của nghị định này, chủ yếu là các công trình lớn phục vụ cho hoạt động hành chính, thương mại. Nhà ở gia đình không thuộc diện phải kiểm định cửa thang máy theo tiêu chuẩn PCCC.
Mặt khác, theo QCVN 03:2021/BCA do Bộ công an ban hành, có hiệu lực từ ngày 28/6/2022 yêu cầu cửa chống cháy thang máy đáp ứng tính toàn vẹn (E) và tính cách nhiệt (I) (tham chiếu theo TCVN 6396 dành cho thang máy)
Như vậy, các công trình yêu cầu nghiệm thu về PCCC thì cửa thang máy phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận chất lượng của Cục Cảnh sát PCCC.
Quy trình kiểm định cửa thang máy theo quy định PCCC này:
Theo nội dung của Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì GamaLift và các nhà cung cấp thang máy khác sẽ phải làm thủ tục, giấy tờ về PCCC đối với cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy phải trải qua 03 giai đoạn:
-
Thực hiện Thử nghiệm để ra Báo cáo thử nghiệm
-
Thực hiện Kiểm định để ra Biên bản kiểm định (do các Trung tâm kiểm định về PCCC có thẩm quyền cấp)
-
Làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận kiểm định (do Cục PCCC cấp)
Trong đó, giai đoạn Thử nghiệm và Kiểm định cửa thang máy do một trong ba Trung tâm kiểm định phương tiện PCCC thực hiện và cấp. Còn Giấy chứng nhận kiểm định do Cục PCCC cấp. Việc phải xin cấp Giấy chứng nhận kiểm định có thể mất nhiều thời gian nếu số lượng hồ sơ nhiều, gây ra sự chậm trễ về tiến độ lắp đặt thang máy và nghiệm thu của công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.
Sửa đổi quy định về PCCC đối với cửa thang máy - sự thay đổi tích cực
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thang máy, tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã loại bỏ mục 5, phụ lục VII quy định về kiểm định liên quan đến cửa thang máy.
Theo đó, từ 15/05/2024, các doanh nghiệp thang máy sẽ không cần xin cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho cửa và vách thang máy như trước. Tất nhiên, đây không phải là việc xóa bỏ quy định về đảm bảo tiêu chuẩn chống cháy cho cửa thang máy mà chỉ giảm bớt thủ tục hành chính.
Quyết định này mang lại một số tác động tích cực cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thang máy:
-
Giảm thủ tục hành chính: Việc loại bỏ yêu cầu kiểm định có thể giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho các đơn vị lắp đặt thang máy, từ đó tăng cường hiệu quả hoạt động và giảm chi phí về nhân sự, đi lại...
-
Rút ngắn thời gian thi công công trình: so với trước, các đơn vị thi công thang máy sẽ không cần chờ giấy chứng nhận của Cục cảnh sát PCCC rồi mới được đưa vào lắp đặt; các nhà thầu có thể giảm bớt thời gian chờ nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng.
-
Tăng cường tính chủ động của các nhà cung cấp thang máy: Để đảm bảo an toàn PCCC, các đơn vị lắp đặt và nhà sản xuất thang máy cần phải tự giác tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và sử dụng vật liệu chất lượng cao, cũng như thực hiện các biện pháp kiểm tra nội bộ về chất lượng sản phẩm một cách nghiêm ngặt.
Nói tóm lại, sự sửa đổi quy định về PCCC cho thang máy theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính trên đây một mặt giúp giảm bớt gánh nặng quản lý, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo yêu cầu về độ an toàn cần thiết cho thang máy.
Xem thêm: Thang máy gia đình: cấu tạo, công nghệ, kích cỡ, các mẫu thang máy đẹp