Đi thang máy sao cho an toàn và hiệu quả nhờ yếu tố văn hóa. Điều này thực hiện như thế nào? Hãy cùng theo dõi qua nội dung sau đây.

Văn hóa đi thang máy - góc nhìn từ người Nhật

Với người Nhật, văn hóa đi thang máy được thiết lập dựa trên một nguyên tắc cơ bản nhất là luôn nghĩ đến người khác, điều này thể hiện ở chỗ:

  • Mọi người biết xếp hàng khi chờ thang máy và tôn trọng thứ tự xếp hàng, tuyệt đối không vượt mặt những người đã chờ đợi trước bạn.
  • Khi thang máy đến nơi, những người đứng ngoài thang máy nên xếp hàng dạt ra 2 bên để người bên trong đi ra hết rồi mới đi vào. Nguyên tắc này áp dụng với cả phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus.
  • Khi vào thang máy, đặc biệt trong môi trường công sở, người Nhật thường vào thang máy theo thứ tự như sau: Người có chức vụ cao hơn vào trước, nhân viên vào sau; khách vào trước chủ nhà vào sau; người già vào trước, người trẻ vào sau. Đặc biệt, khi đưa khách về và khách không cần tiễn xuống, chủ nhà sẽ phải cúi đầu chào cho đến khi cửa thang máy đóng lại.
  • Khi bước vào thang máy, nếu bạn sẽ ra trước người khác, hãy đứng ở vị trí gần sát phía ngoài cùng của thang máy để không ảnh hưởng đến người ra sau. Nếu trong tình huống bạn là người ra sau và có người đứng phía sau bạn cần ra trước, hãy đứng chặn giữ cửa để cho người đó ra rồi mới quay vào.
  • Nếu bạn là người trẻ tuổi nhất trong những người đứng trong thang máy, hãy đứng ở gần bảng điều khiển thang máy, hỏi người khác muốn đi tầng nào và bấm, giữ cửa thang máy cho họ.
  • Nếu khi thang máy vẫn còn chỗ và chuẩn bị đóng, bạn nhìn thấy người khác khệ nệ hành lý hoặc đang chạy vội vào, hãy lập tức bấm thang máy mở giúp họ.
  • Khi đã vào trong, không nên cởi mũ, cởi áo hay găng tay bởi khi làm vậy bạn đang làm ảnh hưởng đến không gian công cộng của người khác. Ngoài ra, đừng làm phiền người khác với balo, túi xách hay những đồ vật cồng kềnh.
  • Trong thang máy không nên nói nhiều hơn ngoài những nội dung chào hỏi và nên nói với độ lớn vừa phải. Không nên đi xa hơn các đề tài này bởi bạn không thể biết chắc chắn ai đang lắng nghe mình và ngoài ra bạn cũng đang làm phiền người khác với câu chuyện riêng của mình.
Xếp hàng khi đi thang máy là nét văn hóa tốt của người Nhật
Xếp hàng khi đi thang máy là nét văn hóa tốt của người Nhật

Không chỉ Nhật Bản, các quốc gia tiên tiến cũng thường có cách hành xử khi đi thang máy như vậy. Ngay cả Việt Nam hiện nay cũng đều đang hướng tới phổ biến những cách hành xử có văn hóa khi đi thang máy ở những nơi công cộng.

Không nên quá lạm dụng thang máy ở nơi công cộng

Thang máy vốn là một phát minh mang lại sự thay đổi tuyệt vời trong cách di chuyển của chúng ta, tạo nên khả năng xây dựng những tòa nhà chọc trời và tăng tính tiện nghi cho nhà ở gia đình. Thế nhưng, liệu chúng ta có nên dùng thang máy cho việc di chuyển ngắn chỉ 1 hoặc 2 tầng?

Nếu ta sử dụng thang máy gia đình lắp đặt cho nhà riêng thì điều này là bình thường. Nhưng với một tòa nhà văn phòng hoặc chung cư có lưu lượng người sử thang máy cao thì di chuyển khoảng cách ngắn 1, 2 tầng có khi thời gian chờ thang máy còn nhiều hơn so với việc chúng ta leo cầu thang bộ. Ngoài ra, việc này cũng làm giảm cơ hội đi thang máy của những người khác cần di chuyển nhiều tầng hơn do tải trọng của thang máy là có hạn và họ sẽ mất thời gian để chờ đến lượt. 

Thói quen lệ thuộc vào các phương tiện di chuyển có thể khiến ta biếng nhác với cả việc suy nghĩ rằng liệu có nên leo cầu thang, liệu có nên đi bộ. Thứ chúng ta lãng phí bao gồm cả thời gian chờ đợi, thời gian di chuyển, nhiên liệu cho thiết bị,… và cả gia tăng thời gian di chuyển cho những người di chuyển nhiều tầng.

Có nhiều tòa nhà đã đưa ra quy định về việc sử dụng thang máy để khuyến khích mọi người nên sử dụng thang bộ trong phạm vi bốn tầng, hoặc thang máy không lên đến tầng trên cùng để mọi người tăng cường vận động, giúp giảm bớt các chứng mỏi lưng, đau mỏi tay chân, vai gáy, căng thẳng, stress,…

Thang máy là một tiện ích, nhưng đừng để chúng ta quá lệ thuộc vào nó, đó cũng là một nếp văn hóa cần lan tỏa.

(Nội dung có Tham khảo từ Tạp chí Thang máy tại đây)

Đi thang máy một cách có văn hóa để đảm bảo an toàn

Để giúp mọi người đi thang máy an toàn, văn minh, GamaLift xin có một số khuyến cáo như sau:

- Trước hết, mỗi người đi thang máy cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thang máy của nhà sản xuất và đơn vị lắp đặt, nhất là khuyến cáo về mức tải trọng cho phép. Nếu thấy cảnh báo quá tải thì cần di chuyển bớt người hoặc đồ vật ra khỏi thang máy. Cần hạn chế tối đa việc chuyển hàng cồng kềnh, để không làm ảnh hưởng đến người khác hoặc dễ gây kẹt cửa cabin.

Tuân thủ hướng dẫn sử dụng để đi thang máy an toàn
Tuân thủ hướng dẫn sử dụng để đi thang máy an toàn

- Quan sát cẩn thận trước khi bước vào thang máy: cabin thang máy phải dừng hẳn, cửa đã mở và sàn thang máy bằng với nền nhà. Nếu đã có quá số người cho phép, hãy chờ một lượt khác.

- Nếu có người chưa kịp vào thang máy, bạn có thể nhấn nút mở cửa ◁|▷ nếu cần để giữ cửa mở lâu hơn. Với các dòng thang máy cao cấp có hệ cảm biến cửa tầng toàn phần thì bạn có thể dễ dàng ngăn cửa đóng lại bằng cách đưa tay ngang cửa mà không cần chạm vào. 

- Khi đã ở trong cabin thang máy, hãy giữ khoảng cách an toàn với cửa thang máy để đảm bảo cơ thể, quần áo và các vật dụng khác không bị kẹt quấn vào cửa thang khi nó mở hoặc đóng.

- Nếu có trẻ em, hãy luôn nhắc nhở trẻ cách xa cửa thang máy. Không nên để trẻ nghịch ngợm ấn đồng thời hoặc thay đổi liên tục các nút bấm điều khiển vì có thể dẫn tới thang máy rối loạn không nhận lệnh.

- Khi bước ra khỏi thang máy, hãy từ tốn, không xô đẩy nhau, có thể ấn vào nút mở cửa ◁|▷ để giữ cửa mở lâu hơn.

Thông qua nội dung trên đây, chúng ta hiểu rõ về văn hóa đi thang máy và cùng nhau sử dụng thang máy một cách an toàn và hiệu quả hơn.


Xem thêm: dịch vụ bảo trì thang máy - tư vấn về bảo trì thang máy để giúp vận hành thang máy an toàn.