Khi nói đến lắp đặt thang máy thì không thể không nhắc đến bản vẽ thang máy. Đó là một phần quan trọng trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà ở gia đình có thang máy. Việc có một bản vẽ thang máy chính xác và chi tiết không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn tạo nên một giao diện thẩm mỹ hài hòa cho tòa nhà. Trong nội dung sau, chúng ta sẽ khám phá về bản vẽ thang máy cùng những lợi ích và cách sử dụng của chúng.

Bản vẽ thang máy: thành phần quan trọng trong thiết kế nhà ở gia đình

Bản vẽ thang máy là loại tài liệu kỹ thuật mô tả chi tiết về hệ thống thang máy của căn nhà. Nó thể hiện đầy đủ về cấu trúc, kích thước, vị trí và các thông số kỹ thuật khác liên quan đến thiết bị thang máy sẽ được lắp đặt. 

Bản vẽ thang máy được sử dụng để hướng dẫn những thợ xây dựng, kỹ thuật viên thang máy trong quá trình triển khai xây dựng, lắp đặt. Do đó, với nhà ở gia đình, bản vẽ thang máy không chỉ thể hiện vị trí lắp đặt mà còn mô tả về kích thước và các thành phần cấu tạo thang máy chủ chốt của thang máy gia đình như: giếng thang, chiều cao OH, hố pit, phòng máy... để các kỹ thuật viên thang máy và quản lý công trình căn cứ vào đó để thực hiện lắp đặt đúng kỹ thuật cũng như vận hành an toàn và hiệu quả.

Bản vẽ thang máy - chi tiết thông số kỹ thuật của thang máy

Bản vẽ thang máy - tài liệu kỹ thuật thể hiện thông số của thiết bị thang máy sẽ được lắp đặt

 

Vai trò của bản vẽ thang máy

Bản vẽ thiết kế thang máy là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng căn nhà, thể hiện ở những điểm sau: 

- Xây dựng giải pháp thang máy đáp ứng tối đa yêu cầu của Khách hàng: Bản vẽ thang máy, đặc biệt là bản vẽ 3D sẽ giúp cho chủ nhà hình dung ra được thang máy sẽ được thiết kế ra sao, có phù hợp với yêu cầu của mình đưa ra hay không, từ đó có những góp ý, hiệu chỉnh về bố cục, trang trí cho phù hợp hơn.
- Giúp cho việc đánh giá, hiệu chỉnh phương án thiết kế thang máy: Bằng cách sử dụng các phần mềm mô phỏng 2D và 3D tiên tiến, các kiến trúc sư có thể tạo ra bản vẽ thiết kế thang máy chính xác, cho phép họ đánh giá và điều chỉnh thiết kế trước khi bắt đầu công trình.
- Đảm bảo phương án xây dựng phù hợp: Nhìn vào ký hiệu thang máy cùng với các thông số kỹ thuật tương ứng trong bản vẽ, người thợ xây dựng cùng với tư vấn giám sát sẽ hiểu rõ yêu cầu cần phải thực hiện. Đảm bảo cho việc xây dựng kiến trúc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc lắp đặt thang máy.
- Triển khai thi công lắp đặt thang máy chính xác, an toàn: Nhìn vào bản vẽ kỹ thuật của thang máy, các kỹ thuật viên có thể triển khai lắp đặt theo đúng trình tự và vị trí của các thiết bị, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt.
- Hỗ trợ cho việc Bảo trì, nâng cấp, sửa chữa thang máy: Sau khi thang máy hoạt động, việc bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ là cần thiết để đảm bảo tính an toàn và hiệu suất của thang máy trong suốt thời gian sử dụng. Khi thang máy xảy ra hỏng hóc, để xác định nguyên nhân gây lỗi và sửa chữa thang máy nhanh nhất thì người thợ kỹ thuật có thể xem lại bản vẽ thang máy để xem cách bố trí các thiết bị, đường điện của hệ thống thang máy như thế nào. 

Bản vẽ thang máy giúp kỹ thuật viên lắp đặt chính xác

Bản vẽ thang máy giúp cho các kỹ thuật viên triển khai lắp đặt chính xác, đúng thời hạn

Các thành phần cơ bản được thể hiện trên bản vẽ thiết kế thang máy

Bản vẽ thang máy là tài liệu quan trọng để hướng dẫn quá trình thiết kế, xây dựng và bảo trì thang máy. Chính xác và chi tiết là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng thang máy được lắp đặt và vận hành chính xác, an toàn. Do đó, trên bản vẽ thang máy, cần thể hiện một loạt các yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng thiết kế và xây dựng thang máy được thực hiện đúng cách. Sau đây là một số yếu tố cần thể hiện trên bản vẽ thang máy.

- Vị trí đặt thang máy: Bản vẽ cần chỉ rõ vị trí cụ thể của thang máy trong tòa nhà hoặc công trình. Thang máy có thể được lắp đặt giữa thang bộ, cạnh thang bộ, ở góc nhà hay ngoài trời. Bản vẽ thang máy cần thể hiện bao gồm cả vị trí của cửa thang máy, hành lang hoặc không gian xung quanh.

Bản vẽ thang máy - mặt bằng bố trí thang máy

Bản vẽ thang máy thể hiện vị trí lắp đặt thang máy trong tổng thể mặt bằng căn nhà

- Thông số kỹ thuật thang máy: bản vẽ cũng thể hiện kích thước thang máy một cách chi tiết, bao gồm số điểm dừng, kích thước của cabin, cửa thang máy, kích thước hố pit thang máy, phòng máy (nếu có). 

Nếu sử dụng thang máy có tốc độ cao như cáp kéo hay thủy lực - những dòng thang máy cần hố pit thì bản vẽ cấu trúc hố pit là rất quan trọng. Cần thể hiện rõ trên bản vẽ kết cấu hố pít thang máy bao gồm các chiều dài, rộng, cao; Kết cấu hố pit là bê tông cốt thép với độ dày bao nhiêu hay là kiểu khung thép vách kính cường lực.

Bản vẽ kết cấu hố pít thang máy

Bản vẽ thể hiện kết cấu hố pit thang máy (đối với thang máy thủy lực hố pit thấp)

Bản vẽ cũng thể hiện thông số kỹ thuật quan trọng của thang máy như tải trọng, tốc độ, công suất động cơ, và loại hệ thống thang máy (thang máy cáp kéo, thang máy thủy lực, v.v.).
- Hệ thống điện thang máy: Bản vẽ cần mô tả hệ thống điện của thang máy, bao gồm các động cơ, thiết bị điện tử, hệ thống điều khiển, và việc kết nối với nguồn điện trong tòa nhà.
- Hệ thống cơ khí: Cần thể hiện hệ thống cơ khí của thang máy, bao gồm vị trí đặt máy kéo, cơ cấu dẫn hướng, giảm chấn và các phần khác.
- Thiết kế nội thất: Lựa chọn thiết kế nội thất thang máy, bao gồm vật liệu, màu sắc và thiết kế nút bấm phù hợp với phong cách nội thất của ngôi nhà.
- Ghi chú và hướng dẫn: Các ghi chú và hướng dẫn cụ thể cần được thêm vào bản vẽ để giải thích các ký hiệu kỹ thuật thang máy và yêu cầu cụ thể. Bản vẽ cần chứa lưu ý về an toàn và quy định bảo vệ lao động để đảm bảo rằng công việc xây dựng và lắp đặt thang máy được thực hiện một cách an toàn.

Một bản vẽ thang máy chuyên nghiệp sẽ có đầy đủ các ghi chú và hướng dẫn liên quan đến thi công, lắp đặt thang máy

Các loại bản vẽ thiết kế thang máy

Bản vẽ thang máy gồm có loại bản vẽ 2D và 3D, cung cấp những thông tin chi tiết về kiến trúc và công nghệ của hệ thống thang máy. 

Bản vẽ thiết kế thang máy 2D 

Bản vẽ thang máy 2D là kiểu bản vẽ kiến trúc, thường được trình bày bằng phần mềm Autocad, sử dụng để mô tả về mặt bằng kèm theo các thông số kỹ thuật cơ bản. Bản vẽ thiết kế 2D là bản vẽ thiết kế kiến trúc phối hợp với thang máy nhằm thể hiện vị trí, kích thước mặt bằng của thang máy trong tổng thể mặt bằng công trình xây dựng. 
Nó cần thể hiện một số thông tin cơ bản như: chiều dài, rộng của giếng thang, chiều cao phòng máy, chiều sâu của hố pit, kích thước cửa tầng, vị trí bảng gọi…

Bản vẽ mặt đứng thang máy 2D - thể hiện các chi tiết thiết kế kỹ thuật của hệ thống thang máy sẽ được lắp đặt

Bản vẽ thang máy 3D

Thể hiện về phối cảnh, bố cục, màu sắc, các chi tiết trang trí của thang máy. Nhìn vào bản vẽ 3D, ta có thể thấy rõ thang máy là loại cửa mở tay hay mở tự động, vị trí bảng gọi cửa tầng, bảng điều khiển, màu sắc, vật liệu trang trí bên trong / bên ngoài cabin…

Khác với bản vẽ 2D, Bản vẽ thang máy 3D mang đến cái nhìn rõ ràng và thực tế hơn về cấu trúc và mặt bằng khi thiết kế thang máy gia đình. Sử dụng các công nghệ mô phỏng 3D như Sketchup, 3DS Max, Revit… các kiến trúc sư có thể tạo ra các bản vẽ thang máy chân thực, giúp chủ nhà và các kỹ thuật viên thi công thực thi và giám sát chất lượng công trình.

Bản vẽ thang máy - bản vẽ 3D phối cảnh của thang máy

Bản vẽ thang máy gia đình được thực hiện như thế nào?

Trình tự thực hiện một bản vẽ thiết kế nhà có thang máy yêu cầu nhiều bước phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều chuyên gia và bộ phận khác nhau trong quá trình thiết kế và xây dựng. Về cơ bản, một bản vẽ thang máy được thực hiện qua các giai đoạn sau:

Tiến hành khảo sát thực địa tại công trình, tập hợp yêu cầu của khách hàng
- Gặp gỡ khách hàng để hiểu rõ yêu cầu thiết kế và mong đợi của họ về thang máy trong ngôi nhà. 

- Khảo sát mặt bằng công trình (hoặc căn cứ vào bản vẽ kiến trúc của công trình dự kiến xây dựng) để xác định số lượng thang máy, số điểm dừng cần thiết, tải trọng, tốc độ, loại hệ thống thang máy .v.v.

Tạo bản thiết kế sơ bộ
Căn cứ vào bản vẽ kiến trúc, hoặc bản vẽ hiện trạng để xác định thiết kế vị trí và không gian dành riêng cho thang máy.
Nếu chưa có bản vẽ thiết kế thì người thiết kế sẽ căn cứ vào hiện trạng khảo sát để xây dựng phương án sơ bộ mặt bằng lắp đặt thang máy cùng với các yếu tố quan trọng như vị trí, kích thước cửa ra vào, hành lang đi lại cho phù hợp với kiến trúc tổng thể của ngôi nhà.

Tạo bản vẽ kỹ thuật thang máy
Kỹ sư thang máy sẽ tạo các bản vẽ kỹ thuật chi tiết cho hệ thống thang máy, bao gồm bản vẽ kết cấu hố pit thang máy, cấu trúc giếng thang, phòng máy, thể hiện và mô tả các phần cơ khí, điện tử và điện trên bản vẽ. Bản vẽ cần phải tuân thủ tất cả các quy định thiết kế thang máy, bao gồm yêu cầu về ký hiệu thang máy và các thành phần liên quan.

Liên kết các bản vẽ vào thiết kế tổng thể
Bản vẽ kỹ thuật thang máy sẽ được tích hợp vào bản thiết kế tổng thể của ngôi nhà. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa kiến trúc sư và kỹ thuật viên thang máy.

Trao đổi và hiệu chỉnh
Sau khi hoàn thành bản vẽ tổng thể, bước trao đổi với chủ nhà và kiến trúc sư và kỹ thuật viên thang máy để nhận phản hồi và điều chỉnh nếu cần. 

Phê duyệt và cấp phép
Bản vẽ tổng thể cùng với bản vẽ kỹ thuật thang máy sẽ được đệ trình cho cơ quan cấp phép xây dựng để xin phê duyệt.
Khi bản vẽ được phê duyệt, bản vẽ được chuyển cho Kỹ thuật viên, Chủ nhà hoặc tư vấn giám sát để tiến hành xây dựng và triển khai lắp đặt thang máy theo các yêu cầu trong bản vẽ.

Lưu ý khi sử dụng bản vẽ thang máy

Hiểu rõ ký hiệu thang máy trong bản vẽ để xác định đúng vị trí cấu trúc của nó
Đầu tiên, bạn cần đọc và hiểu rõ nội dung bản vẽ thang máy; Xem xét ký hiệu thang máy cùng các kích thước, thông số kỹ thuật và các yêu cầu khác được chỉ định trong bản vẽ. Nếu có bất kỳ điều gì không rõ ràng, hãy liên hệ với kiến trúc sư hoặc nhà thầu để được giải đáp, tránh sai sót trong quá trình thi công, lắp đặt.

Khi triển khai thi công thực tế
Trong quá trình thi công thang máy cần đảm bảo rằng việc lắp đặt và xử lý các thành phần thang máy tuân thủ theo bản vẽ để đảm bảo tính an toàn và chính xác của hệ thống.
Khi xây dựng và lắp đặt thang máy, nếu thang máy sử dụng là loại thang cáp kéo cần có hố pit thì cần đối chiếu bản vẽ kết cấu hố pit thang máy với thông số đo đạc thực tế để đảm bảo việc di chuyển của thang máy.

Quá trình hoàn thiện thang máy sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia lắp đặt thang máy và cần tuân thủ theo bản vẽ để đảm bảo thang máy hoạt động một cách an toàn và hiệu quả. 

Kiểm tra và bảo trì thang máy
Khi công trình hoàn thành, sử dụng bản vẽ để kiểm tra và bảo trì hệ thống thang máy. Khi tiến hành bảo trì các hệ thống thang máy phức tạp, kỹ thuật viên cần kiểm tra lại các ký hiệu thể hiện thông số thang máy trên bản vẽ để đo đạc và so sánh hiệu suất thực tế so với các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đưa ra nhằm thực hiện các công việc bảo trì thích hợp một cách an toàn và tin cậy.

Xem thêm: bảo trì thang máy gia đình - hướng dẫn quy trình thực hiện bảo trì cho thang máy

Kết luận

Như trên đã trình bày, bản vẽ thang máy là một yếu tố quan trọng trong việc thiết kế và lắp đặt cũng như vận hành thang máy. Bằng cách thể hiện thiết kế thang máy trên bản vẽ kỹ thuật, người ta có thể đảm bảo rằng hệ thống thang máy được thiết kế an toàn và hiệu quả. Bản vẽ thang máy 2D và 3D mang đến cái nhìn chi tiết về kiến trúc và công nghệ của thang máy, giúp kiến trúc sư và nhà thầu có thể thực hiện quá trình thi công một cách chính xác và tin cậy.
Do đó, đừng bỏ qua công đoạn tạo ra bản vẽ thang máy trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà ở gia đình để đảm bảo sự an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ của hệ thống thang máy của bạn.