Kẹt thang máy là một trong những tình huống khó chịu mà ai cũng có thể gặp phải khi sử dụng thang máy, gây ra sự bất tiện cho người dùng, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của họ. Vì vậy, việc hiểu rõ về nguyên nhân gây kẹt thang máy, cách phòng tránh và xử lý hiệu quả là rất cần thiết để đảm bảo an toàn khi sử dụng thang máy. Mời bạn cùng GamaLift tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Kẹt thang máy là như thế nào?

Kẹt thang máy được hiểu là tình trạng mà thang máy bị mắc kẹt giữa các tầng hoặc bị mắc kẹt ở một vị trí nào đó và không thể di chuyển được. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ lỗi kỹ thuật đến hành vi sử dụng không đúng cách. Kẹt thang máy có thể xảy ra với cả thang máy gia đình hay thang máy tải khách cho nhà cao tầng.

Kẹt thang máy xảy ra với thang máy tải khách cao tầng

Kẹt thang máy xảy ra với thang máy gia đình

Khi bị mắc kẹt thang máy, hành khách có thể gặp phải những tình huống nguy hiểm như: không thể thoát ra khỏi thang máy, thiếu không khí để thở (nếu có đông người trong cabin và thang máy mất điện) hoặc nguy hiểm hơn là sau đó cabin bị rơi / trượt từ trên cao. Vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân để biết cách phòng tránh và xử lý khi bị kẹt thang máy là điều rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Nguyên nhân gây ra kẹt thang máy

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình huống kẹt thang máy cả về mặt kỹ thuật lẫn người sử dụng. Theo Tạp chí Thang máy (xem nội dung gốc), có một số nguyên nhân phổ biến sau đây:

Lỗi về kỹ thuật điện và điều khiển

Các lỗi kỹ thuật có thể đến từ sự hỏng hóc các bộ phận của thang máy, sự cố về điện hoặc hệ thống điều khiển, lỗi cảm biến hoặc hệ thống phanh... do thang máy trong thời gian dài mà không được bảo dưỡng hoặc do việc lắp đặt không đúng cách. Cụ thể là:

- Lỗi từ hệ thống mạch an toàn thang máy như: mạch an toàn cửa tầng, mạch an toàn cửa cabin và cabin, mạch an toàn dọc hố thang, hố pit, phòng máy... Trong quá trình hoạt động của thang máy, các mạch an toàn nếu vì lý do nào đó (ví dụ như tác động của ngoại cảnh, như côn trùng cắn, môi trường ẩm ướt gây chập, linh kiện quá niên hạn bị hỏng...) làm nó bị gián đoạn kết nối thì thang máy sẽ ngừng hoạt động cho đến khi mạch an toàn được kết nối trở lại.

- Lỗi từ linh kiện: thang máy có các linh kiện chuyển mạch như contactor, rơ-le, aptomat... Chúng thường xuyên hoạt động với cường độ cao và liên tục do đó các hệ thống tiếp điểm của các trang bị điện này có thể bị vỡ/mòn do tác động của hồ quang điện, khiến tính dẫn điện của các trang bị điện kể trên bị giới hạn, gây suy hao điện áp trên mạch điện và mạch điều khiển. Từ đó khiến cho thang máy bị kẹt.

- Lỗi mạch điều khiển điều khiển thang máy: Bo mạch chủ đảm nhiệm việc nhận các tín hiệu đầu vào và đưa ra lệnh điều khiển chính xác cho các thiết bị ngoại vi để thang hoạt động an toàn và đúng chức năng. Nếu tủ điện đặt trong môi trường nóng, nơi nhiệt độ cao và với tần suất hoạt động của bo mạch, các chip có thể vượt quá giới hạn và các bảo vệ quá nhiệt tác động dẫn tới thang dừng đột ngột. Ngoài ra, trong môi trường ẩm thấp, độ ẩm cao (90%) các chân chip bo mạch có thể bị oxy hóa khiến bo mạch bị hỏng hoặc hoạt động không ổn định.

- Sự cố về nguồn điện: Khi mất điện đột ngột mà thiết bị cấp nguồn dự phòng cho thang máy bị hỏng dẫn đến mất điện hoàn toàn và thang máy ngừng hoạt động khi cabin chưa về đến điểm dừng dự kiến.

Kẹt thang máy do lỗi về phần điện và điều khiển

Kẹt thang máy do lỗi về mặt cơ khí

- Lỗi từ hệ thống chuyển động của cửa tầng và cửa cabin

Theo một nghiên cứu của Elevator World, hơn 40% các tai nạn thang máy xảy ra liên quan đến cửa thang, bao gồm cả cửa tầng và cửa cabin. Cụ thể là: 

Các nguyên nhân về cơ khí gây kẹt thang máy có thể kể đến như cửa thang bị sô lệch, cong vênh, không đóng được hoàn toàn dẫn tới cắt mạch điện an toàn và cả hệ thống thang máy sẽ ngừng hoạt động vì bộ xử lý hiểu là thang máy không đủ an toàn để hoạt động.

Ngoài ra, trong quá trình thang máy vận hành, nếu có vật cản như bụi bẩn, kim loại ở ray dẫn hướng hoặc bị lắp đặt sai kích thước sẽ làm cho cửa tầng và cửa cabin không thể đóng mở đúng và trơn tru, dẫn tới tình trạng thang máy bị kẹt.

- Lỗi từ hệ thống phanh thang máy

Phanh điện từ là phanh được trang bị trên hệ thống máy kéo của thang máy, bộ phận này có chức năng giữ cho cabin và đối trọng đứng khi thang đã dừng tầng. Trong quá trình vận hành, nếu phanh căn chỉnh không chính xác sẽ khiến động cơ hoạt động dòng điện tăng cao. Tình trạng này có thể khiến biến tần của thang máy bị lỗi và gây nên kẹt thang.

Về phanh cơ thang máy là thiết bị lắp ở dưới cabin liên kết với bộ điều tốc thang máy. Trong quá trình lắp đặt căn chỉnh có thể xảy ra trường hợp lắp đặt kích thước phanh chống rơi và ray dẫn hướng sai kích thước. Vấn đề này có thể khiến phanh chống rơi tác động bất ngờ trong quá trình vận hành và làm thang máy bị kẹt giữa chừng.

Kẹt thang máy do hành vi sử dụng không đúng cách của hành khách

Một số người dùng có thể gây ra tình huống kẹt thang máy do hành vi sử dụng không đúng cách. Ví dụ như: có quá nhiều người, đồ vật trong cabin gây quá tải thang máy, sử dụng thang máy khi có sự cố về điện. Chơi đùa khi cabin thang máy đang di chuyển khiến nó bị rung lắc gây lỗi thang.

Kẹt cửa do đồ vật rơi vào khe cửa mà không được phát hiện sớm để lấy ra.

Kẹt thang máy cũng có thể xảy ra khi người sử dụng bấm chọn liên tục các nút chức năng khác nhau trên bảng điều khiển thang máy, khiến cho bộ xử lý quá tải và bị treo. 

Kẹt thang máy do lỗi của người sử dụng

Điều nên và không nên làm khi bị mắc kẹt thang máy

Dù đã tuân thủ các quy tắc an toàn khi sử dụng thang máy và định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng thang máy, tình huống kẹt thang máy vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, chúng ta cần biết cách xử lý để giải quyết tình huống một cách an toàn và hiệu quả.

Mắc kẹt thang máy: cách làm hay nhất

Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh trong tình huống mắc kẹt thang máy, chúng ta nên thực hiện các điều sau:

Giữ bình tĩnh cho mình và người khác: Trong tình huống kẹt thang máy, việc giữ bình tĩnh cho mình và nhắc nhở những người khác làm theo là rất quan trọng. Sự hoảng loạn có thể làm cho thang máy bị rung lắc dẫn đến tình trạng xấu hơn.

Tìm kiếm thông tin hướng dẫn: Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, bạn có thể kiểm tra các thông tin an toàn trên thang máy như: cách sử dụng thang máy, số điện thoại cứu hộ hoặc cách mở cửa thang máy khi bị kẹt. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho trường hợp khẩn cấp.

Sử dụng nút bấm cứu hộ: Nếu có nút bấm hỗ trợ cứu hộ thang máy thì bạn có thể sử dụng để yêu cầu giúp đỡ. Nút bấm cứu hộ thường được đặt ở góc trên bên trong của thang máy hoặc ở một vị trí dễ nhìn. Đối với thang máy tải khách cao tầng, thường trang bị nút bấm cứu hộ (hình chiếc chuông) là chức năng liên lạc đến trung tâm cứu hộ. Khi bấm nút này, hệ thống sẽ tự liên hệ đến nơi đã được chỉ định trước. Sau đó, nhân viên cứu hộ sẽ nói chuyện và hướng dẫn cho hành khách xử lý tình huống qua loa và mic thoại gắn trong cabin thang máy. Thang máy gia đình thì có thể vừa trang bị tính năng liên lạc khẩn cấp (Em-call) vừa có tính năng tự cứu hộ (SRS) - bạn có kích hoạt để đưa cabin thang máy về đúng vị trí và thoát ra ngoài.

Không cố gắng tự mở cửa hoặc thoát ra: Trong tình huống kẹt thang máy, bạn không nên cố gắng tự mở cửa hoặc thoát ra khỏi thang máy. Điều này có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Hãy chờ đợi sự giúp đỡ từ nhân viên bảo trì hoặc cơ quan cứu hộ.

Những điều không nên làm khi bị kẹt thang máy

Trong tình huống kẹt thang máy, nhiều người có thể hoảng loạn và làm những sai lầm nguy hiểm. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến khi gặp tình huống này:

Không cố dùng sức cạy cửa khi bị kẹt thang máy

Cố gắng cạy cửa thang máy: Cố gắng cạy cửa thang máy để mở cửa khi không biết cabin thang máy đang dừng ở vị trí nào không chỉ gây nguy hiểm cho hành khách mà còn có thể gây hư hỏng đến cơ cấu của thang máy và làm tăng nguy cơ tai nạn.

Đứng gần cửa thang máy: Khi thang máy bị kẹt, cửa thang máy có thể mở ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, bạn không nên đứng quá gần cửa thang máy để tránh nguy hiểm.

Bấm các nút điều khiển liên tục và loạn xạ: điều này không tốt vì nó làm nhiễu loạn bộ điều khiển thang máy, thậm chí là treo hệ thống. Hãy chỉ bấm các nút có chức năng cứu hộ hoặc các nút bấm theo hướng dẫn để xử lý các tình huống khẩn cấp. 

Cách phòng tránh rủi ro kẹt thang máy

Để tránh tình huống kẹt thang máy, chúng ta cần tuân thủ một số quy tắc và hành vi an toàn khi sử dụng thang máy. Dưới đây là một số cách phòng tránh mắc kẹt thang máy hiệu quả mà bạn cần biết:

Luôn tuân thủ quy tắc an toàn khi sử dụng thang máy

Để tránh cho thang máy bị kẹt, trước hết người sử dụng cần hiểu rõ và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thang máy để đi thang máy đúng cách. Ngoài ra, không nên sử dụng thang máy khi có sự cố hoặc sự cố về điện, không quá tải thang máy và không sử dụng thang máy để chơi đùa.

Hiểu rõ các chức năng cứu hộ của thang máy. Em-call: hệ thống liên lạc khẩn cấp đến trung tâm cứu hộ. Nếu gặp tình huống kẹt thang máy đột ngột, hãy bấm nút Em-call trang bị trong thang máy để thông báo đến trung tâm cứu hộ về tình trạng của thang máy và nhận hướng dẫn từ kỹ thuật viên.

Không sử dụng thang máy khi có sự cố

Nếu bạn nhận thấy có sự cố về thang máy như: không nhận tín hiệu chọn tầng, cửa thang máy không mở, rung lắc hoặc có tiếng kêu lạ, hãy ngừng sử dụng và thông báo cho người quản lý hoặc nhân viên bảo trì của toà nhà. Đừng cố sử dụng hay tự sửa chữa trong tình huống này để tránh nguy hiểm.

Lắp đặt thang máy kính

Lắp đặt thang máy kính không chỉ có lợi về mặt thiết kế, thẩm mỹ mà nó còn mang lại lợi thế trong trường hợp bị mắc kẹt thang máy. Vật liệu kính có thể nhìn xuyên qua nên hành khách sẽ biết rõ mình đang ở đâu khi thang máy bị kẹt. Quan trọng hơn là đội cứu hộ sẽ nhanh chóng xác định được tình trạng của thang máy và của hành khách để đưa ra phương án cứu hộ tối ưu. Đối với nhà riêng, do không thường xuyên có người nhà để hỗ trợ thì sử dụng thang máy kính sẽ có nhiều lợi thế khi xảy ra tình huống mắc kẹt thang máy cần phải cứu hộ. 

Thang máy kính có lợi thế khi xử lý mắc kẹt thang máy

Kiểm tra và bảo dưỡng thang máy thường xuyên

Bảo dưỡng thang máy định kỳ là một yêu cầu bắt buộc để thang máy giữ được chất lượng vận hành tốt. Nhiều người chủ quan hoặc để tiết kiệm ngân sách đã không thực hiện bảo trì thang máy trong một thời gian dài, khiến cho hệ thống bị xuống cấp, rất dễ xảy ra tình trạng kẹt thang máy khi sử dụng. Để đảm bảo thang máy hoạt động tốt và giảm thiểu nguy cơ kẹt thang máy, chúng ta cần định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng thang máy. Các nhà sản xuất thang máy thường đề xuất kiểm tra và bảo dưỡng thang máy một lần mỗi năm. Tuy nhiên, nếu thang máy được sử dụng nhiều hoặc trong môi trường khắc nghiệt, việc kiểm tra và bảo dưỡng cần được thực hiện thường xuyên hơn.

Việc định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng thang máy giúp phát hiện và khắc phục các lỗi kỹ thuật, từ đó giảm nguy cơ kẹt thang máy. Nếu các lỗi được phát hiện và sửa chữa kịp thời, nguy cơ bị kẹt thang máy sẽ giảm đáng kể. 

Việc định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng thang máy giúp phát hiện các lỗi kỹ thuật sớm và khắc phục chúng trước khi chúng trở thành những vấn đề lớn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa và duy trì thang máy hoạt động ổn định trong thời gian dài.

 

Tổng kết nội dung

Trên đây là những thông tin cơ bản về tình huống kẹt thang máy, nguyên nhân gây kẹt thang máy, cách phòng tránh và xử lý khi gặp tình huống này mà GamaLift muốn mang đến cho bạn. Chúng tôi cũng muốn bạn ý thức được vì sao cần định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng thang máy để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có thể phòng tránh và xử lý tình huống kẹt thang máy một cách an toàn và hiệu quả.


Chủ đề bài viết liên quan đến: kẹt thang máy | mắc kẹt trong thang máy | cách xử lý mắc kẹt thang máy


Về GamaLift: 

GamaLift là Công ty thang máy cao cấp tại Việt Nam, chuyên thiết kế và cung cấp hệ thống thang máy được sản xuất riêng cho từng công trình nhà ở, kèm theo dịch vụ đầy đủ về bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, cứu hộ thang máy. 

Với kinh nghiệm lắp đặt hàng nghìn thang máy trên toàn quốc, GamaLift có những giải pháp kỹ thuật giúp cho các loại thang máy phát huy được hết công năng, hoạt động bền bỉ và tiết kiệm ngân sách.

Nhiều kiến thức thang máy chuyên sâu, hữu ích cho người sử dụng về thiết kế - cấu tạo - vận hành - sử dụng thang máy, được chúng tôi tổng hợp tại hơn 100 bài viết hướng dẫn tại trang web của mình (trong đó có nội dung về vấn đề kẹt thang máy ở trên). Bên cạnh đó là các nội dung liên quan đến ứng dụng của thang máy trong đời sống xã hội tại Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời chúng tôi cũng giới thiệu rõ hơn về năng lực, tiêu chí phục vụ hướng đến đáp ứng tốt nhất nhu cầu của Khách hàng thông qua hoạt động thực tiễn của mình.