Giếng thang máy: khái niệm và cấu trúc
Giếng thang máy là gì?
Là một thành phần cốt lõi trong cấu tạo thang máy, giếng thang máy (hay trục hành trình của thang máy) là phần không gian hình trụ mà cabin thang máy có thể di chuyển bên trong. Ở mỗi điểm dừng tầng, giếng thang máy được trổ cửa để hành khách có thể ra vào.
Giếng thang có thể được xây dựng bên trong hay ở bên ngoài của một ngôi nhà tùy thuộc vào diện tích mặt bằng và thiết kế kiến trúc của công trình.
Cấu trúc của giếng thang máy và các thành phần liên quan
Giếng thang máy được bao kín bằng các vách tạo thành một hình trụ. Phổ biến nhất là hình trụ chữ nhật, vuông, tròn tùy theo mặt bằng thiết kế.
Vách giếng thang có thể làm bằng bê tông tường gạch hoặc khung kim loại ốp kính. Ở mỗi điểm dừng tầng sẽ có khoảng thông thủy để mở cửa ra vào thang máy được gọi là cửa tầng thang máy.
Đối với giếng thang máy làm bằng bê tông tường gạch, cửa tầng thang máy thường được ốp đá hoặc gỗ để trang trí làm tăng thêm tính thẩm mỹ. Còn đối với giếng thang máy bằng khung kim loại vách kính thì cửa tầng thường giữ nguyên là vách kính.
Bên dưới cùng của giếng thang là hố pit, nơi mà cabin có thể di chuyển xuống dưới để tạo ra sự cân bằng của mặt sàn cabin và mặt sàn nhà. Hố pit còn có các bộ giảm chấn cho cabin và đối trọng thang máy nhằm làm cho cabin dừng lại một cách êm ái. Hố pit cần phải được chống thấm tốt để nước không vào bên trong giếng thang.
Phần trên của giếng thang là phòng máy chứa máy kéo của thang máy. Đối với dòng thang máy gia đình không phòng máy thì máy kéo đặt ngay trên đỉnh giếng thang mà không có phòng máy ở bên trên.
Vật liệu làm giếng thang máy
Vật liệu làm giếng thang máy có thể sử dụng là bê tông cốt thép toàn bộ hoặc trụ bê tông kết hợp tường xây hoặc khung kim loại vách kính.
Đối với loại bê tông - tường gạch
Giếng thang máy làm bằng bê tông tường gạch mang lại chi phí rẻ hơn cho chủ nhà. Tuy nhiên là nó sẽ tốn diện tích xây dựng hơn và thường phải xây dựng ngay từ đầu khi hoàn thiện công trình cùng với hệ kết cấu kiến trúc của căn nhà.
Việc sửa nhà để lắp thang máy mà xây giếng thang tường gạch sẽ khó khăn hơn và kết cấu không vững chắc bằng.
Đối với khung kim loại vách kính
Giếng thang máy khung kim loại vách kính thì có chi phí lớn hơn so với loại tường xây, nhưng ưu điểm là thi công nhanh, cơ động lắp đặt được nhiều vị trí. Một ưu điểm khác là làm cho căn nhà trở lên thẩm mỹ hơn, phân bố ánh sáng tốt hơn nhờ vật liệu kính. Loại khung giếng thang máy này cũng rất thích hợp với những công trình nhà ở cải tạo lại để lắp thang máy.
Việc lựa chọn vật liệu và thi công giếng thang máy cần phải thực hiện chặt chẽ với thiết kế kiến trúc đã được phê duyệt và được thực hiện bởi nhà cung cấp thang máy có chuyên môn.
Yêu cầu kỹ thuật về giếng thang máy
Điều quan trọng khi thi công lắp đặt thang máy gia đình là giếng thang máy phải được xây dựng chắc chắn với các thông số kỹ thuật kích thước, sức chịu tải phù hợp.
Khả năng chịu tải của giếng thang máy
Cho dù làm giếng thang bằng vật liệu nào thì đều phải đảm bảo khả năng chịu tải. Điều này cũng liên quan cả đến công nghệ thang máy. Ví dụ, thang máy dùng cáp kéo thì động cơ đặt trên đỉnh giếng thang, do đó, giếng thang cần phải gia cố về kết cấu để chịu tải thêm cho động cơ. Đối với thang máy thủy lực, do cơ cấu đẩy bằng pit-tông từ dưới lên do đó mức độ kết cấu có thể không cần gia cố nhiều như đối với thang máy cáp kéo.
Kích thước giếng thang máy
Kích thước giếng thang máy là yếu tố cần xem xét đầu tiên khi xây dựng giải pháp lắp đặt thang máy vì nó liên quan chặt chẽ đến diện tích mặt bằng. Cần đảm bảo các yếu tố như:
- Kích thước giếng thang máy phải đủ lớn để lắp đặt các thiết bị thang máy bên trong như cabin, đối trọng, ray dẫn hướng... Độ rộng cửa tầng cũng là một yếu tố cần xem xét. Cửa tầng cho các loại thang máy cỡ nhỏ để một người có thể ra vào thoải mái vào khoảng 600mm, nhưng nếu cần thiết kế cho xe lăn ra vào thì kích thước cửa tầng cần rộng từ 800mm trở lên.
- Đảm bảo khoảng không an toàn giữa cabin và trần giếng thang để tránh va chạm.
Ví dụ, chiều cao OH tính từ mặt sàn điểm dừng tầng trên cùng lên đến trần giếng thang đối với thang máy thủy lực vào khoảng 2400mm-2600mm, đối với thang máy cáp kéo không phòng máy vào khoảng 2600mm-3400mm. Khoảng trống giữa cabin và đối trọng của nó từ 30mm. Giữa đối trọng thang máy và các thành phần khác, khe hở phải ít nhất là 25mm.
- Do giếng thang có hình dáng cố định nên nó rất khó điều chỉnh sau khi đã xây dựng xong. Vì vậy, kích thước giếng thang cần được tính toán trước một cách chính xác và và phù hợp với kích thước cabin được thiết kế. Khi kích thước thực tế nằm ngoài khuyến nghị của nhà sản xuất, nhà sản xuất hoặc nhà tư vấn cần xem xét để đảm bảo đủ chỗ cho phép lắp đặt.
Bảng thông số kích thước giếng thang máy gia đình
Chỉ tiêu |
Kích thước giếng thang (RxS) |
Ghi chú |
Thang máy 300kg |
1160x1150mm |
Đối trọng bên trái, cửa 1 cánh mở tay |
Thang máy 340kg |
1160x1450mm |
Đối trọng bên trái, cửa 1 cánh mở tay |
Thang máy 400kg |
1360x1450mm |
Đối trọng bên trái, cửa 1 cánh mở tay |
Thang máy 450kg |
1530x1650mm |
Đối trọng bên trái, cửa 1 cánh mở tay |
Chỉ tiêu |
Kích thước giếng thang (RxS) |
Ghi chú |
Thang máy 300kg |
1220x1450mm |
Đối trọng sau, cửa 1 cánh mở tay |
Thang máy 340kg |
1220x1700mm |
Đối trọng sau, cửa 1 cánh mở tay |
Thang máy 400kg |
1500x1710mm |
Đối trọng sau, cửa tự động |
Thang máy 450kg |
1730x1710mm |
Đối trọng sau, cửa tự động |
Hình ảnh về giếng thang máy
Tham khảo một số hình ảnh về giếng thang máy