Tổng quan về Động cơ thang máy

Động cơ thang máy là loại động cơ điện có chức năng truyền động để nâng hạ cabin và đưa cabin đến vị trí tầng đã chọn thông qua các liên kết cơ khí giữa chúng. Động cơ thang máy là các loại động cơ chạy điện có thể sử dụng nguồn điện gia đình 1 pha hoặc nguồn điện 3 pha, hoạt động của chúng được điều khiển bởi tín hiệu từ tủ điện thang máy.

Sơ đồ hoạt động của động cơ thang máy
Sơ đồ tương tác điều khiển của tủ điện với động cơ và cabin thang máy

Có nhiều loại động cơ thang máy sử dụng các công nghệ truyền động khác nhau, trong đó động cơ thang máy điện 1 pha: dùng cho thang máy gia đình. Động cơ 1 pha có thể là động cơ có hộp số, động cơ không hộp số, động cơ kiểu thủy lực, khí nén, trục vít. Động cơ thang máy điện 3 pha: thường dùng cho thang máy tải khách nhà cao tầng.

Các loại động cơ thang máy dùng cho thang máy gia đình

Thang máy gia đình là loại thang máy có kích cỡ nhỏ, tải trọng thường dưới 500kg, dùng cho nhà ở gia đình. Do đặc điểm nhà ở có chiều cao thấp, tải trọng, tần suất di chuyển ít nên có nhiều công nghệ động cơ có thể tương thích với dòng thang máy này. Có thể kể đến một số loại động cơ thang máy gia đình sau đây:

Động cơ thang máy cáp kéo

Động cơ dùng cho thang máy cáp kéo còn được gọi là máy kéo thang máy do đặc tính của nó là nâng hạ cabin từ bên trên.
Máy kéo thang máy điều khiển hướng di chuyển của cabin thang máy bằng cách xoay puly liên kết với các sợi cáp, một đầu nối với cabin, đầu kia nối với đối trọng thang máy. Động cơ thang máy cáp kéo có thể là loại máy kéo có hộp số hoặc máy kéo không có hộp số. 

Máy kéo thang máy có hộp số

Máy kéo thang máy có hộp số là dạng động cơ điện không đồng bộ 1 pha hoặc 3 pha, sử dụng cơ cấu bánh răng (hộp số) để điều chỉnh momen xoắn của puly, từ đó điều chỉnh tốc độ lên xuống của cabin. Hộp số cho phép thay đổi tốc độ di chuyển của thang máy thông qua việc chuyển đổi giữa các bánh răng khác nhau.
Động cơ có hộp số thường được sử dụng trong các thang máy tải trọng lớn và có nhiều tầng. Do kích thước lớn, máy kéo có hộp số yêu cầu phải có phòng máy riêng để chứa nó. Bù lại nó có vận hành khỏe, chi phí thấp, phòng máy cũng giúp cho việc bảo dưỡng động cơ trở lên dễ dàng hơn. 

Máy kéo thang máy có hộp số
Máy kéo thang máy có hộp số

Công suất động cơ có hộp số dùng cho thang máy gia đình ở trong khoảng từ 3-7kW

Máy kéo thang máy không hộp số

Máy kéo thang máy không hộp số còn gọi là động cơ thang máy đồng bộ, là kiểu máy kéo thang máy có trục quay Roto làm bằng nam châm vĩnh cửu với các cực được bố trí xen kẽ nhau với mật độ cao. Khác với động cơ không đồng bộ, Stato của động cơ đồng bộ cũng có nhiều cặp cực nam châm xen kẽ nhau sao cho việc đảo cực liên tục theo tần số dòng điện xoay chiều để tạo ra lực hút / đẩy liên tục cho Roto quay gần như không có độ trễ. Vì thế nó còn được gọi là động cơ thang máy đồng bộ.  
Động cơ thang máy không hộp số thường được sử dụng rộng rãi trong các thang máy cao tầng và thang máy cỡ nhỏ. Nó rất linh hoạt khi thiết kế, có thể thiết kế kiểu thang máy không phòng máy để tiết kiệm diện tích, hoặc có phòng máy để tiện cho việc bảo trì, sửa chữa.
Động cơ cáp kéo không hộp số thường ít phải bảo trì, nhưng quá trình bảo dưỡng sẽ khó hơn động cơ có hộp số nếu như không làm phòng máy riêng.
Công suất động cơ không hộp số dùng cho thang máy gia đình ở trong khoảng từ 2,5-5kW. Cá biệt, hãng thang máy Otis đã phát triển loại động cơ không hộp số sử dụng điện 1 chiều chỉ với công suất rất nhỏ là 500W dành cho thang máy gia đình.

Máy kéo thang máy không hộp số
Máy kéo thang máy không hộp số

Động cơ thang máy kiểu thủy lực

Động cơ thủy lực sử dụng bơm áp suất để đẩy chất lỏng thủy lực di chuyển trong cơ cấu xi-lanh để nâng hạ cabin thang máy.
Nó thường được sử dụng trong các thang máy nâng hàng hoặc trong các ứng dụng cần lực nâng lớn bởi khả năng kiểm soát tốt và hoạt động ổn định, độ bền cao.

Động cơ thang máy thủy lực
Động cơ thang máy thủy lực


Công suất động cơ thủy lực dùng cho thang máy gia đình là bao nhiêu?
- Công suất động cơ thang máy thủy lực từ 3kW - 24kW tùy vào tải trọng của thang máy.
- Nhờ động cơ công suất lớn mà thang máy thủy lực có thể đạt tốc độ vận hành ở mức 0,15m/s - 0,6m/s tùy vào nhu cầu sử dụng mà sử dụng loại động cơ thang máy cho phù hợp.

Động cơ thang máy kiểu trục vít

Động cơ trục vít hoạt động bằng cách sử dụng một trục vít xoắn để di chuyển thang máy lên và xuống. Động cơ được gắn vào ốc lồng qua trục hành trình dạng xoắn ốc, khi động cơ quay làm ốc xoay quanh trục từ đó nâng / hạ cabin theo chiều quay của động cơ.
Công suất động cơ trục vít chỉ ở mức thấp, khoảng 1,5kW-5kW, do đó nó có lực nâng kém hơn các loại động cơ khác, tốc độ chậm, chỉ ở mức 0,15m/s. Nó thường chỉ hiệu quả khi dùng cho các thang máy gia đình loại nhỏ, dưới 500kg và chiều cao hành trình thấp từ 3-4 tầng. Nếu chiều cao nhà lớn hơn, bạn có thể thấy khó chịu với tốc độ di chuyển của nó.

Động cơ thang máy trục vít
Động cơ thang máy trục vít

Động cơ thang máy kiểu chân không

Động cơ chân không là loại động cơ sử dụng máy bơm hút khí để hút không khí bên trên cabin làm giảm áp suất, tạo lực hút bên trên cabin từ đó tạo ra lực nâng hoặc hạ cabin thang máy.
Động cơ công nghệ chân không thường được sử dụng cho các loại thang máy gia đình tải trọng nhỏ. Động cơ khí nén khá tin cậy và an toàn trong môi trường nguy hiểm nhưng nó chuyển động chậm, tốc độ của thang máy sử dụng động cơ khí nén chỉ vào khoảng 0,15m/s. Thang máy gia đình sử dụng động cơ kiểu chân không thường là dòng thang máy kính có hình trụ tròn. 

Động cơ thang máy kiểu chân không
Động cơ thang máy kiểu chân không

Mỗi loại động cơ thang máy có ưu điểm và hạn chế riêng, và sự lựa chọn phụ thuộc vào tải trọng, tốc độ và yêu cầu cụ thể của ứng dụng cụ thể.

Lựa chọn động cơ thang máy đối với thang máy gia đình

Hầu hết các loại động cơ thang máy nói trên đều có thể ứng dụng cho nhà ở gia đình, nhưng trong một số trường hợp bạn sẽ cần lựa chọn loại động cơ thang máy mang lại hiệu quả cao hơn. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như sau:

- Nhà có chiều cao thấp, từ 2-3 tầng, nhà bị giới hạn chiều cao, nhà cải tạo không làm được hố pit thì có thể lựa chọn dòng thang máy thủy lực, trục vít, khí nén.
- Nhà ở kết hợp cho thuê, tần suất di chuyển nhiều, cần có thang máy cáp kéo để đáp ứng tần suất di chuyển nhanh.
- Với các căn nhà 5 tầng trở lên thì thường lựa chọn thang máy cáp kéo hoặc thủy lực để có tốc độ di chuyển nhanh. 
- Nếu nhà cải tạo không làm hố pit hay phòng máy thì thang máy thủy lực sẽ là một lựa chọn hiệu quả vì nó vừa đáp ứng được yêu cầu về thi công, vừa có tốc độ nhanh và di chuyển lại rất êm.

Tìm hiểu thêm về Thang máy gia đình

Làm thế nào để động cơ thang máy gia đình bền hơn?

Để động cơ thang máy bền hơn và hoạt động ổn định, có một số biện pháp và quy tắc bảo dưỡng quan trọng bạn cần tuân theo. Dưới đây là một số cách để tăng độ bền của động cơ thang máy:

Bảo dưỡng động cơ định kỳ

- Bảo dưỡng định kỳ động cơ thang máy giúp phát hiện sớm và sửa chữa các vấn đề nhỏ trước khi chúng gây ra lỗi làm hỏng động cơ. Cần thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ cho động cơ và toàn bộ hệ thống thang máy và theo lịch trình do nhà sản xuất đề xuất. Bảo dưỡng động cơ cần thực hiện đồng bộ với quy trình bảo trì thang máy gia đình. 
- Luôn thực kiểm tra, làm sạch và bôi trơn cho động cơ thang máy đúng cách mỗi khi làm bảo trì thang máy.

Các việc cần làm khi bảo trì, bảo dưỡng thang máy được trình bày chi tiết tại Sổ tay bảo trì thang máy gia đình 

Sử dụng linh kiện chất lượng

- Khi nâng cấp hoặc bảo trì động cơ, hãy huôn sử dụng phụ tùng và linh kiện chính hãng hoặc có chất lượng tương đương để đảm bảo tính đồng nhất và hiệu suất tốt hơn. Tránh sử dụng phụ tùng kém chất lượng có thể gây hỏng động cơ và các thiết bị khác trong hệ thống thang máy.

Sử dụng động cơ đúng cách

-Tuân thủ hướng dẫn sử dụng và an toàn cung cấp bởi nhà sản xuất. Không sử dụng động cơ thang máy vượt quá tải trọng được quy định.
- Tránh các thao tác không đúng cách hoặc phi thường, ví dụ như quá trình khởi động và dừng đột ngột.

Điều kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm

- Bảo đảm rằng động cơ thang máy được lắp đặt trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm ổn định.
- Sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ và độ ẩm để giữ cho môi trường xung quanh động cơ ổn định.

Đảm bảo nguồn điện ổn định

- Kiểm tra hệ thống điện áp và điện năng thường xuyên để đảm bảo rằng động cơ nhận được nguồn cung cấp ổn định và không bị sụt áp. 
- Đảm bảo rằng hệ thống bảo vệ quá tải ở trạng thái tốt.
- Tuân thủ các biện pháp này sẽ giúp gia tăng độ bền và độ tin cậy của động cơ thang máy, từ đó đảm bảo sự an toàn và hiệu suất của thang máy trong suốt thời gian dài.


Trên đây là chi tiết về động cơ thang máy và phân loại dựa theo công nghệ truyền động cũng như ứng dụng phù hợp cho từng loại động cơ. Qua đó, giúp bạn có thêm thông tin để so sánh, lựa chọn các công nghệ động cơ thang máy sao cho tối ưu với nhu cầu của mình về thông số kỹ thuật, thiết kế và ngân sách của bạn. 
 


Từ khóa để tìm kiếm nhanh bài viết: động cơ thang máy | máy kéo thang máy